Hiện nay đề kháng imipenem và meropenem đã được ghi nhận tại nhiều nơi. Nghiên cứu đa trung tâm khảo sát tình hình đề kháng imipenem và meropenem của các trực khuẩn Gram (-) dễ mọc, đặc biệt so sánh sự khác biệt về đề kháng giữa hai kháng sinh này.

 Nghiên cứu với sự tham gia của nhiều bệnh viện. Các chủng vi khuẩn được phân lập từ các bệnh phẩm lấy từ nơi nhiễm khuẩn của bệnh nhân. Vi khuẩn được làm kháng sinh đồ xác định MIC với que E-test theo phương pháp được hướng dẫn từ nhà sản xuất. Từ 5/2008 đến 11/2009 đã có 1602 chủng trực khuẩn Gram (-) dễ mọc được nghiên cứu từ 16 bệnh viện trên toàn quốc. Kết quả cho thấy Enterobacteriaceae hãy còn nhạy cảm rất cao với carbapenems. Có 15.4% Pseudomonas aeruginosa kháng meropenem, nhưng có đến 20.7% kháng imipenem và trong số này có 27.5% và 10.7% là nhạy cảm và nhạy vừa với meropenem. Có 47.3% Acinetobacter baumanii kháng meropenem, 51.1% kháng imipenem trong số đó có 7.5% là nhạy cảm và nhạy vừa với meropenem. Chỉ có 11.1% Burkholderia capacia kháng meropenem, nhưng có đến 48.9% kháng imipenem và trong số đó có 72.7% và 4.5% là nhạy cảm và nhạy vừa với meropenem. Gần như đa số  các chủng kháng meropenem đều kháng imipenem. Kết quả nghiên cứu là bằng chứng để các nhà điều trị nên ưu tiên lựa chọn meropenem trong liệu pháp xuống thang để điều trị các nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng.

 
BS. Phạm Hùng Vân