HỘI LỒNG NGỰC HOA KỲ

Thông tin dành cho bệnh nhân

Bài số 3 trong loạt bài về giấc ngủ

Thiết bị hỗ trợ qua miệng cho Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Các thiết bị hỗ trợ qua miệng là các thiết bị có thể được sử dụng để điều trị Hội chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn mức độ nhẹ hoặc trung bình cũng như tình trạng ngáy khi ngủ. Các thiết bị này gồm có: Nẹp nâng hàm dưới (MAS), Thiết bị nâng hàm dưới (MAD), Thiết bị định vị hàm dưới (MRA), hoặc Thiết bị giữ lưỡi (TRD). Những thiết bị hỗ trợ qua miệng này giữ lưỡi của bạn ở vị trí sao cho đường thở của bạn luôn thông thoáng khi ngủ. Chúng trông giống như các thiết bị bảo vệ miệng được sử dụng bởi các vận động viên để bảo vệ răng của họ. Các thiết bị hỗ trợ qua miệng được đặt vào miệng của bạn mỗi tối trước khi ngủ. Các thiết bị này được đeo trong suốt khoảng thời gian bạn ngủ (không cần phải đeo nó suốt cả ngày). 

Các thiết bị hỗ trợ qua miệng hoạt động như thế nào?

 Các thiết bị hỗ trợ qua miệng hoạt động bằng cách đẩy hoặc kéo hàm dưới của bạn về phía trước. Khi đó, lưỡi của bạn sẽ nằm tại vị trí không thể gây tắc nghẽn đường thở của bạn được nữa. Như vậy sẽ giảm được nguy cơ đường hô hấp rung lên (gây ra tiếng ngáy) hoặc lưỡi của bạn gây tắc nghẽn đường thở khi ngủ. Nếu thiết bị này hoạt động hiệu quả, tiếng ngáy sẽ giảm hoặc mất đi hoàn toàn.

Các thiết bị hỗ trợ qua miệng hiệu quả ra sao?

Cũng như tất cả các phương pháp điều trị khác, không phải ai cũng có được lợi ích tương tự từ thiết bị này. Đối với một số người, hội chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn và ngáy sẽ biến mất hoàn toàn, trong khi đối với những người khác sẽ cần thêm các phương pháp điều trị khác. Các thiết bị hỗ trợ qua miệng hiệu quả hơn đối với những người thừa cân, tình trạng ngưng thở khi ngủ còn cải thiện khi nằm nghiêng (so với nằm ngửa) hoặc bị hội chứng ngưng thở khi ngũ mức độ nhẹ - trung bình. Nếu bạn bị hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (ít gặp hơn so với hội chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn) thì các thiết bị này ít hữu dụng hơn. Và nếu bạn vẫn chưa sử dụng một thiết bị hỗ trợ qua miệng vừa vặn nào thì không ai có thể biết được nó sẽ hiệu quả ra sao với bạn.

Hiệu quả của các thiết bị hỗ trợ qua miệng so với CPAP như thế nào?

Liệu pháp thở áp lực dương liên tục - CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) là một điều trị tin cậy cho hội chứng ngưng thở khi ngủ và kết quả điều trị thường luôn luôn được thấy ngay tức thì. Nó có tác dụng rất tốt ở hầu hết tất cả những người sử dụng, bất kể mức độ của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Thiết bị hỗ trợ qua miệng thường sẽ cải thiện được hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng có thể không hoàn toàn kiểm soát được nó. Nếu bạn bị hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình - nặng, CPAP sẽ hiệu quả hơn. Các thiết bị hỗ trợ qua miệng cũng không phải là phương pháp điều trị chính nếu bạn có bệnh lý tim mạch hoặc buồn ngủ rất nhiều vào ban ngày. Trong những trường hợp này, CPAP là điều trị tốt nhất. Một chuyên gia về giấc ngủ có thể cung cấp hướng dẫn lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bạn.

Có bất kỳ bất lợi nào từ việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ qua miệng không?

Nếu thiết bị vừa vặn sẽ tạo được sự thoải mái suốt đêm. Tuy nhiên, bởi vì thiết bị hoạt động bằng cách đẩy hàm dưới của bạn về phía trước, một số người sẽ cảm thấy khó chịu khi sử dụng lần đầu. Khó chịu này thường sẽ cải thiện khi bạn sử dụng nhiều hơn. Nếu khó chịu xảy ra, cảm giác này thường ở phía sau xương hàm, ngay trước tai (tại khớp thái dương – hàm dưới). Cảm giác khó chịu này sẽ biến mất khi bạn cởi bỏ thiết bị vào buổi sáng. Một số người khi sử dụng thiết bị sẽ có tình trạng tăng tiết nước bọt rất nhiều hoặc răng trở nên nhạy cảm hơn. Những triệu chứng này thường mất đi nhanh chóng khi bạn sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, sau một thời gian dài sử dụng thiết bị có thể gây di lệch răng, thay đổi khớp cắn hoặc các vấn đề khác với khớp và cơ hàm của bạn. Do đó điều quan trọng là bạn phải khám răng thường xuyên để phát hiện và điều chỉnh kịp thời.

Làm sao để có một thiết bị hỗ trợ qua miệng?

Trước tiên, các chuyên gia về giấc ngủ sẽ chẩn đoán mức độ nặng hội chứng ngưng thở nghi ngủ của bạn bằng xét nghiệm đánh giá giấc ngủ qua đêm. Sau đó bạn sẽ được các chuyên gia về giấc ngủ tư vấn kết quả và lựa chọn các phương pháp điều trị cho bạn. Nếu bạn quyết định chọn điều trị với thiết bị hỗ trợ qua miệng, chuyên gia về giấc ngủ sẽ giới thiệu bạn đến một nha sĩ chuyên điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Thiết bị hỗ trợ qua miệng có nhất thiết phải vừa khít với bạn không?

Mỗi người có hình dạng, kích cỡ hàm và miệng khác nhau, vì vậy bạn cần phải có một thiết bị hỗ trợ qua miệng được làm riêng cho bạn. Nha sĩ sẽ lấy khuôn răng của bạn và gửi những khuôn nha khoa này đến phòng thí nghiệm để làm một thiết bị dành riêng cho bạn. Công việc này thường mất một vài tuần. Khi thiết bị được gắn vừa vặng vào miệng của bạn, nó sẽ được điều chỉnh để đưa hàm dưới của bạn về phía trước tới vị trí hiệu quả nhất nhưng vẫn thoải mái. Trên thiết bị cũng sẽ có một con vít điều chỉnh cho phép bạn tiếp tục tinh chỉnh vị trí của thiết bị trong miệng của bạn ở vài tuần tiếp theo. Nha sĩ sẽ giúp bạn theo dõi sát những điều chỉnh này. Sau khi thiết bị đã được chỉnh vừa vặn, bạn cần phải được tiếp tục theo dõi bởi các nha sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ.

Có một số loại thiết bị nha khoa mà bạn có thể mua tại các quầy (không cần kê đơn). Những thiết bị này rẻ hơn, nhưng thường không hiệu quả. Cho nên một thiết bị vừa khít là cần thiết để giúp giải quyết các vấn đề về giấc ngủ của bạn.

Bạn cần phải vệ sinh các thiết bị hỗ trợ qua miệng như thế nào?

Bạn nên chải răng và dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng trước khi bạn đặt thiết bị vào mỗi đêm. Mảng bám có thể xuất hiện trên một thiết bị giống như trên răng của bạn. Do đó bạn phải cẩn thận rửa sạch và làm khô thiết bị mỗi ngày trước khi sử dụng lại. Ngoài ra, bạn cần cất giữ thiết bị của mình ở một nơi an toàn tránh xa trẻ em và vật nuôi.

Làm sao để nhận biết thiết bị hỗ trợ qua miệng có thật sự hiệu quả không?

Nếu thiết bị thật sự hiệu quả, bạn sẽ không còn ngáy nữa. Nếu bạn sử dụng thiết bị để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, các triệu chứng như buồn ngủ, mệt mỏi và các triệu chứng khác của hội chứng sẽ được cải thiện. Cách tốt nhất để đánh giá hiệu quả thật sự của thiết bị hỗ trợ qua miệng đó là xét nghiệm đánh giá giấc ngủ qua đêm khi đang sử dụng thiết bị này. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy thiết bị thật sự có hiệu quả điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, bạn nên tiếp tục sử dụng nó mỗi đêm. Nếu nó không hiệu quả, bạn cần xem xét các phương pháp điều trị khác (chẳng hạn như CPAP).

Bạn phải làm gì nếu thiết bị hỗ trợ qua miệng dường như không hiệu quả?

Nếu các triệu chứng ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ xuất hiện trở lại (ví dụ như bạn cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày), bạn cần thiết phải đến khám nha sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ ngay. Nha sĩ có thể sẽ cần phải điều chỉnh lại thiết bị. Sau vài năm sử dụng thiết bị, một số người cảm thấy cần phải xem xét thay đổi phương pháp điều trị cho hội chứng ngưng thở khi ngủ..

 

Tác giả: Sutapa Mukherjee MBBS, FRACP, PhD  
Phản biện: Suzanne C. Lareau RN, MS  
Người dịch: BS. Lê Quốc Bảo 

Các bước hành động

Các thiết bị hỗ trợ qua miệng có thể thuận tiện hơn so với các phương pháp điều trị khác, nhưng hãy chắc chắn rằng thiết bị của bạn thật vừa vặn và hiệu quả đối với các vấn đề về giấc ngủ của bạn.

✔ Hãy nhờ một chuyên gia về giấc ngủ tư vấn xem bạn có thể sử dụng một thiết bị hỗ trợ qua miệng được không

✔ Nếu thiết bị hỗ trợ qua miệng không giúp cải thiện các triệu chứng, bạn nên đến khám lại với chuyên gia của bạn

✔ Cố gắng theo dõi thường xuyên với các chuyên gia giấc ngủ hoặc nha sĩ

✔ Vệ sinh thiết bị hàng ngày 

Nguồn tài liệu

American Academy of Sleep Medicine:
http://www.sleepeducation.com/disease-management/oral-appliance-therapy/overview

Sleep Health Foundation (Australia):
http://www.sleephealthfoundation.org.au/information-library/ information-by-topic.html

American Sleep Apnea Association:
http://www.sleepapnea.org/diagnosis-and-treatment/

Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân