Giãn phế quản là gì?

Giãn phế quản là tình trạng tổn thương đường dẫn khí trong phổi (còn gọi là phế quản) mạn tính, dẫn đến việc thành đường thở dày lên, giãn rộng hơn bình thường và không thể khôi phục, từ đó gây ra các triệu chứng đặc trưng là ho và khạc đàm kéo dài, nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại và đôi khi có ho ra máu.1 Bệnh nhân giãn phế quản thường có tình trạng tăng tiết đàm nhầy. Dịch nhầy này sẽ tích tụ trong đường thở là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh trưởng, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng và có thể tái phát nhiều lần.

Giãn phế quản là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ những bệnh nhân rất trẻ cho tới người lớn tuổi trên khắp thế giới.2 Trong suốt hai thập kỷ gần đây, số ca phát hiện giãn phế quản đã tăng lên một cách đáng kể.3 Điều này có thể là kết quả từ việc bệnh lý giãn phế quản đã được biết đến rộng rãi hơn, sự phổ biến hơn của công cụ chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp cắt lớp vi tính (hay còn gọi là CT) tại các cơ sở y tế.4

Giãn phế quản có nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tìm kiếm nguyên nhân gây giãn phế quản là một bước cực kỳ quan trọng vì nó sẽ góp phần vào việc điều trị bệnh một cách hiệu quả. Những nguyên nhân có thể kể đến bao gồm: 

Các bệnh lý bẩm sinh và di truyền.

Bệnh lý tự miễn (viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjögren, xơ cứng bì, và bệnh viêm ruột).

Bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch.

Nhiễm trùng hô hấp nặng trước đây, đặc biệt là lao phổi.

Dị vật đường thở

Việc tìm kiếm nguyên nhân đôi khi đòi hỏi những xét nghiệm rất chuyên sâu, thậm chí về gen và rất tốn kém. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 40% các trường hợp giãn phế quản sẽ không tìm được nguyên nhân. Những trường hợp như vậy sẽ được gọi là giãn phế quản chưa rõ căn nguyên.

 Hình 1. Giãn phế quản và quá trình hình thành của bệnh.

 Nguồn: O'Donnell AE. Bronchiectasis - A Clinical Review. N Engl J Med. 2022 Aug 11;387(6):533-545. doi: 10.1056/NEJMra2202819

 

Diễn tiến bệnh

Tình trạng giãn không hồi phục đường thở khiến cho phổi khó bài tiết đàm nhầy. Sự tích tụ đàm nhớt tạo điều kiện lý tưởng cho nhiều loại vi trùng sinh sống và phát triển, gây tổn hại phổi bệnh nhân khiến tình trạng giãn phế quản nặng hơn. Quá trình này được gọi là vòng lặp bệnh lý của bệnh.5

Tổn thương giãn phế quản không thể hồi phục. Tuy nhiên có thể điều trị nhằm làm giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chặn tiến triển giãn phế quản nặng hơn.

 Triệu chứng giãn phế quản6

Triệu chứng của giãn phế quản ở người lớn bao gồm:

  • Ho, thường đi kèm với khạc đàm đặc, nhầy, có màu xanh hoặc vàng. Tình trạng ho này có thể kéo dài từ hàng tuần đến hàng tháng.
  • Khó thở, thường đi kèm với khò khè. Khó thở thường nặng hơn trong các đợt nặng lên của bệnh.
  • Sốt, cảm giác ớn lạnh
  • Ho ra máu
  • Đau ngực, đau tăng khi hít thở sâu.

Hai triệu chứng chính là ho và khạc đàm nhầy thường xuyên và kéo dài. Một số bệnh nhân giãn phế quản còn có thể bị viêm xoang mãn tính, gây nghẹt mũi, đau ở má hoặc trán, và tiết nhầy màu vàng hoặc xanh từ mũi. Các triệu chứng có thể diễn tiến thường xuyên và nặng dần theo thời gian.

 

Nhận biết đợt bệnh nặng lên giãn phế quản

Mặc dù giãn phế quản là bệnh lý kéo dài, sẽ có những khoảng thời gian các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn, được gọi là đợt nặng lên (chuyên môn gọi là đợt cấp) giãn phế quản. Nó thường xuất hiện sau một nhiễm khuẩn mới hoặc do sự tăng trưởng quá mức của vi khuẩn cư trú trong đường hô hấp. Nó làm nặng các triệu chứng sẵn có, có thể khiến người bệnh nhập viện và thậm chí tử vong trong những trường hợp nặng. Bệnh nhân cần nắm các biểu hiện của đợt nặng lên này để có thể đến gặp bác sĩ đúng lúc, bao gồm:

  • Khó thở nhiều hơn so với mọi ngày.
  • Đàm nhiều hơn hay thay đổi màu sắc đàm (Hình 2). Những màu đậm hơn thường liên quan tình trạng viêm hay nhiễm trùng đường thở gia tăng. Bệnh nhân nên chú ý màu sắc đàm lúc bệnh ổn định của mình để có thể nhận biết sớm dấu hiệu bệnh tiến triển.
  • Khạc đàm kèm lẫn máu.
  • Sốt.
  • Mệt mỏi.
  • Sụt cân không chủ ý, chán ăn.

Bệnh nhân khi xuất hiện các triệu chứng trên nên đến thăm khám sớm nhằm nhận được sự chăm sóc và điều trị phù hợp.

 

Hình 2. Những mẫu đàm khác nhau ở bệnh nhân giãn phế quản, thay đổi từ trong đến xanh đen hoặc nâu (từ trái sang phải).

 Nguồn: Hướng dẫn tự quản lý giãn phế quản dành cho bệnh nhân – Hội Phổi Châu Âu7

 

Chẩn đoán giãn phế quản và những xét nghiệm liên quan

Bệnh nhân nên đi khám tại các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng nghi ngờ giãn phế quản như ho kéo dài, khạc đàm đặc nhầy thường xuyên hàng ngày, khó thở, khò khè, đau nhói ngực mới khởi phát, hoặc ho ra máu. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, bao gồm các bệnh đã từng mắc và các yếu tố nguy cơ của giãn phế quản như có mắc lao phổi trước đây, bệnh phổi tắc nghẽn mạnh tính, hen, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý về khớp, và bệnh viêm ruột. Sau khi tiến hành cuộc hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể đề xuất một loạt các xét nghiệm nhằm mục đích chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực hay còn gọi là CT ngực. Đây là xét nghiệm quan trọng giúp chẩn đoán xác định có hiện tượng giãn phế quản, đồng thời định vị được vị trí tổn thương trong phổi.
  • Xét nghiệm máu, giúp định hướng chẩn đoán nguyên nhân giãn phế quản
  • Xét nghiệm đàm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng hô hấp.
  • X-quang ngực thẳng có thể thực hiện trong các lần theo dõi cho bệnh nhân, chẳng hạn nghi ngờ bệnh nhân giãn phế quản bị viêm phổi hay xuất hiện một biến cố khác.
  • Nội soi phổi: thông qua việc khảo sát đường thở qua ống soi, bác sĩ có thể định vị vị trí tắc nghẽn gây ra giãn phế quản cũng như lấy dịch xét nghiệm.
  • Các xét nghiệm giúp thăm dò chức năng phổi như phế thân kí hoặc hô hấp kí. Các xét nghiệm này giúp đánh giá liệu hệ hô hấp có hoạt động tốt và tình trạng giãn phế quản ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của bệnh nhân như thế nào.

Để kết luận, giãn phế quản là một bệnh lý mạn tính phức tạp. Tuy nhiên nhờ vào tiến bộ trong công nghệ, y học và phương pháp chẩn đoán, bệnh nhân và nhân viên y tế giờ đây có thể tiếp cận được với các công cụ tốt hơn để nhận diện và điều trị bệnh giãn phế quản một cách hiệu quả hơn. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và đợt nặng lên của bệnh là chìa khóa để cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh giãn phế quản.

  

Tác giả: ThS.BS. Trần Lê Quốc Khánh – ThS.BS. Nguyễn Hồ Lam

 Phân môn Hô Hấp – Bộ môn Nội – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1.         Aliberti S, Goeminne PC, O'Donnell AE, et al. Criteria and definitions for the radiological and clinical diagnosis of bronchiectasis in adults for use in clinical trials: international consensus recommendations. The Lancet Respiratory medicine. Mar 2022;10(3):298-306. doi:10.1016/s2213-2600(21)00277-0

 2.         Chandrasekaran R, Mac Aogáin M, Chalmers JD, Elborn SJ, Chotirmall SH. Geographic variation in the aetiology, epidemiology and microbiology of bronchiectasis. BMC pulmonary medicine. May 22 2018;18(1):83. doi:10.1186/s12890-018-0638-0

 3.         O'Donnell AE. Bronchiectasis - A Clinical Review. The New England journal of medicine. Aug 11 2022;387(6):533-545. doi:10.1056/NEJMra2202819

 4.         Quint JK, Millett ER, Joshi M, et al. Changes in the incidence, prevalence and mortality of bronchiectasis in the UK from 2004 to 2013: a population-based cohort study. The European respiratory journal. Jan 2016;47(1):186-93. doi:10.1183/13993003.01033-2015

 5.         Cole PJ. Inflammation: a two-edged sword--the model of bronchiectasis. European journal of respiratory diseases Supplement. 1986;147:6-15.

 6.         Haworth CS, Banks J, Capstick T, et al. British Thoracic Society guidelines for the management of non-tuberculous mycobacterial pulmonary disease (NTM-PD). Thorax. Nov 2017;72(Suppl 2):ii1-ii64. doi:10.1136/thoraxjnl-2017-210927

 7.         Crossley B. Bronchiectasis self-care guide. European Lung Foundation. Accessed 25th February, 2024. https://europeanlung.org/wp-content/uploads/2023/06/Bronchiectasis-self-care-guide.pdf