TS BS ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH

Bệnh ung thư là gì?

Bệnh ung thư là một nhóm bệnh gồm trên một trăm loại có chung vài đặc tính cơ bản quan trọng. Ung thư có thể phát sinh ở bất cứ tế bào nào trong cơ thể như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư xương, ung thư máu… do các tế bào của các cơ quan này tăng trưởng bất thường, phát triển quá đà và lan tràn khắp cơ thể.

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư thay đổi khác nhau giữa các quốc gia. Theo số liệu của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) năm 2020 thì ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới, có đến 2,2 triệu trường hợp mới phát hiện trong năm 2020; nếu tính riêng nữ giới thì ung thư phổi là loại ung thư thường gặp thứ nhì đứng sau ung thư vú.  

Tỷ lệ mắc ung thư tại Việt  nam có khác biệt một chút so với thế giới. Cũng theo số liệu của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020 bao gồm: ung thư gan là loại bệnh ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất (14,5%), sau đó mới đến ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%). Nếu tính riêng ở nữ giới thì ung thư phổi cũng đứng sau ung thư vú như thống kê của thế giới.

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi hay ung thư phế quản là loại bệnh ung thư thường gặp nhất nhì trên thế giới cũng như ở Việt nam, đồng thời cũng là loại bệnh ung thư nặng nề nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất nhì so với các loại ung thư khác. Ung thư phổi là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong phổi, thường bắt nguồn từ các tế bào tạo thành những ống dẫn khí trong phổi hay còn gọi là phế quản. Khởi đầu các tế bào ung thư phát sinh từ các đột biến gen (tức là các hư hại của phân tử DNA trong quá trình sinh sôi phát triển của tế bào) xảy ra khi người bệnh tiếp xúc, phơi trải với các yếu tố trong môi trường sống như khói thuốc lá, các virus, các bức xạ...

 

Khối u nguyên phát (bướu gốc)- Các tế bào ung thư tiếp tục sinh sôi tăng trưởng, sự sinh sôi tăng trưởng này nhanh hơn bình thường. Hậu quả là hàng tỷ tế bào ung thư sẽ tích tụ lại thành khối u hay khối bướu nguyên phát nằm tại phổi.

Sự xâm lấn – Sự phát triển không dừng lại của các tế bào ung thư tại vị trí khối u ban đầu sẽ gây đè ép và phá hủy các mô nằm bên cạnh như màng phổi, xương sườn hoặc cột sống nằm cạnh khối u. Tùy vị trí của u nguyên phát sẽ có những kiểu xâm lấn xung quanh khác nhau.

Sự di căn – Theo thời gian, khi khối u nguyên phát ban đầu tiếp tục phát triển, các tế bào ung thư sẽ tách khỏi bướu gốc, trôi nổi theo dòng máu hoặc theo dòng lymphô (máu trắng) lan tràn khắp cơ thể. Một số tế bào ung thư này lại tạo ra các ổ mới trong cơ thể, đó chính là các ổ di căn. Ung thư phổi thường di căn đến các hạch nằm trong phổi, hay hạch ở cổ nằm cùng bên hoặc đối bên với khối u nguyên phát gọi là di căn hạch vùng. Hơn thế nữa, các tế bào ung thư từ phổi còn có thể di căn xa, tức là lan tràn đến những cơ quan khác nằm cách xa phổi. Các cơ quan thường gặp di căn từ phổi thường là não, gan, cột sống và tuyến thượng thận. Ung thư dần dần sẽ nắm quyền chủ động, tàn phá cơ thể cho đến khi người bệnh qua đời.

Theo cách diễn tiến bệnh như trên, nếu ung thư phổi được nhận biết trong giai đoạn sớm, tức là khối u có kích thước còn nhỏ, và cũng chưa có xâm lấn hay di căn đến những bộ phận khác trong cơ thể thì bệnh sẽ dễ được chữa khỏi hơn, thời gian sống của người bệnh sẽ được kéo dài hơn.

Nguyên nhân gây ung thư phổi là gì?

Thật ra cho đến nay, giới y học cũng chưa hiểu biết một cách rõ ràng nguyên nhân của bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng là do đâu. Người ta nhận thấy rằng có khoảng 90% trường hợp xuất phát từ những gì con người phơi trải, tiếp xúc với môi trường sống trong suốt những năm tháng đời người và có khoảng 5%-10% còn lại là liên quan đến di truyền.

Hút thuốc lá – Thủ phạm gây ung thư phổi được nhắc tới nhiều nhất là hút thuốc lá, ngoài ra hút các loại khác như thuốc rê, thuốc lào, xì gà… cũng dễ mắc ung thư phổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn. Bên trong làn khói thuốc lá mỏng manh là vậy nhưng lại có chứa đến hơn 50 loại chất độc có khả năng gây ung thư, chính các chất này làm tổn thương các tế bào phổi gây ra các đột biến gen dẫn đến ung thư. Tuy nhiên không phải ai hút thuốc lá cũng đều mắc ung thư phổi cả đâu. Một người hút thuốc lá càng nhiều gói mỗi ngày và số năm hút càng lâu thì càng dễ bị ung thư phổi hơn. Nhưng nếu người này nhận ra sự tác hại của thuốc lá và đã cai thuốc được ít nhất 15 năm thì khả năng bị ung thư phổi hầu như không còn nữa.

Hút thuốc lá thụ động – Đó là làn khói từ điếu thuốc và từ miệng mũi của người hút thuốc thở ra bay vào không khí khiến cho những người xung quanh hít vào. Mặc dù bản thân không hút thuốc nhưng hít khói thuốc ‘bị động’ thường xuyên, kéo dài từ người hút thuốc lá khác cũng khiến cho mình dễ bị mắc ung thư phổi hơn (nhưng tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với người hút thuốc lá thật sự). Vì vậy quý ông khi hút thuốc cũng nên lưu ý đừng để cho vợ con, người thân trong gia đình bị hít phải thường xuyên khói thuốc của mình phả ra bên ngoài.

Ô nhiễm môi trường & ô nhiễm nghề nghiệp – Bên cạnh thuốc lá vốn là thủ phạm gây ung thư phổi dễ nhận biết nhất, các nhà khoa học cũng nhận thấy nếu tiếp xúc thường xuyên với một số hóa chất như radon (một chất khí phóng xạ), amiăng (vật liệu cách điện, tấm lợp), asen (thạch tín), crôm, niken (khói động cơ diesel) cũng dễ mắc bệnh ung thư phổi. Một số nghề nghiệp có môi trường làm việc khiến cho người lao động phải tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm không khí hay ô nhiễm trong môi trường làm việc - như công nhân nhà máy hóa chất, nhà máy sản xuất vật liệu cách điện, sản xuất tấm lợp, thợ mỏ, công nhân xây dựng, cảnh sát giao thông, đầu bếp… - cũng làm tăng khả năng mắc ung thư phổi ở những người này. Mức độ tiếp xúc nhiều hay ít như thế nào để có thể gây ra ung thư phổi chưa được hiểu biết rõ ràng. Người trung niên, người cao tuổi thường dễ bị ung thư phổi hơn, có lẽ vì những người này có thời gian phơi trải, tiếp xúc với môi trường xung quanh lâu dài hơn so với người trẻ  tuổi.

 

Yếu tố di truyền – Có khoảng 8 -10% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến yếu tố di truyền, có nghĩa là nếu có người ruột thịt trong gia đình từng bị mắc ung thư phổi thì mình cũng có thể bị ung thư phổi. Nếu người đó thân thuộc với mình càng nhiều (như cha mẹ, anh chị em ruột) thì khả năng mình bị ung thư phổi sẽ cao hơn so với nếu người đó quan hệ họ hàng xa (như ông bà, cô dì, chú bác…).

Hệ miễn dịch yếu - Trong cơ thể chúng ta luôn xuất hiện các tế bào bị đột biến, từ các tế bào này có thể diễn tiến thành tế bào ung thư. Nếu hệ miễn dịch của chúng ta khỏe mạnh, nó sẽ tìm kiếm và loại bỏ các tế bào ‘không bình thường’ (bao gồm cả tế bào ung thư) ngay từ sớm để giữ cho cơ thể phát triển khỏe mạnh. Ngược lại, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ mắc nhiều loại bệnh do nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài vào cũng như dễ mắc ung thư phổi hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Chấn Hùng – Cẩm nang phòng trị ung thư – NXB Tổng hợp TPHCM 2023

2.    Mayo Clinic – Lung cancer: sympstoms and causes – mayoclinic.org/diseases-lungcancer- March 2022

3.    Centers for Disease Control and Prevention – Basic ìnormation about lung cancer- cdc.gov/cancer/lung-basic -info index.html 2023.