- Chi tiết
-
Được đăng: 06 Tháng 1 2017
Gần sắp Tết rồi, chắc hẳn các bậc phụ huynh đang lên kế hoạch cho các chuyến du lịch dài ngày cho cả gia đình. Đối với gia đình có các cháu nhỏ bị suyễn thì làm sao cho các cháu du xuân an toàn và vui vẻ là mối quan tâm hàng đầu của các phụ huynh. Trong trường hợp này, các bậc cha mẹ cần biết và làm gì để cả nhà có chuyến du xuân tràn ngập niềm vui?
Trẻ suyễn có thể bị những tác động bất lợi gì khi đi chơi xa?
Trẻ suyễn khi đi chơi xa sẽ dễ có nguy cơ lên cơn suyễn nếu chưa chuẩn bị đầy đủ do các nguyên nhân sau: tăng nguy cơ tiếp xúc với dị ứng nguyên, liên quan đến phương tiện di chuyển như nấm mốc từ đệm, thảm, hệ thống thông khí, khói thuốc lá, khói xe; bị stress do vận động nhiều, đi nhiều, ít thời gian nghỉ ngơi; thay đổi thời tiết, khí hậu;thuốc, phương tiện chăm sóc không đầy đủ và thường xuyên.
Cần chuẩn bị những gì cho trẻ bị suyễn khi đi chơi xa?
Phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ cho trẻ trước khi đi, trên đường đi và ở nơi đến, bao gồm:
Chuẩn bị trước khi đi:
Nên đưa bé đi khám bác sĩ để bảo đảm bệnh suyễn đang được kiểm soát, có toa thuốc phòng ngừa, cắt cơn, được hướng dẫn cách xử trí khi lên cơn, được hướng dẫn lại cách sử dụng dụng cụ hít, khí dung, được tư vấn về các tác động có thể có và cơ sở y tế nơi đến.
Cần chuẩn bị để mang theo những thứ sau: toa thuốc (2 bản), mang đủ thuốc phòng ngừa và cắt cơn cho cả chuyến đi, thuốc để cả trong hành lý xách tay và hành lý ký gởi, tốt nhất dùng dụng cụ hít định liều (MDI) và buồng đệm, máy phun khí dung (điện, pin) và lưu lượng đỉnh kế (nếu có). Nếu mang theo máy phun khí dung cần kiểm tra là máy còn hoạt động tốt và nhớ chuẩn bị cả ổ cắm lẫn phích đổi (nếu đi du lịch nước ngoài cần tham khảo trước loại ổ cắm điện phù hợp), cũng như pin đầy đủ (nếu máy dùng pin).
Trên đường đi
Cần mang theo bên mình: toa thuốc, thuốc (đặc biệt thuốc cắt cơn), buồng đệm, cho bé mặc quần áo thoải mái, đủ ấm
Đi bằng xe: mở máy điều hòa với cửa sổ mở trước ít nhất 10 phút. Nếu đường đi nhiều bụi bặm: đóng kín cửa sổ, mở máy điều hoà (chế độ một chiều), tránh người hút thuốc lá, uống đủ nước trên đường đi.
Ở nơi đến
Tiếp tục dùng thuốc đều đặn theo hướng dẫn, điều chỉnh theo giờ địa phương. Luôn luôn mang theo mình thuốc cắt cơn
Tránh dị ứng nguyên, yếu tố có thể làm khởi phát cơn (chỗ ở, môi trường, thức ăn, khói thuốc lá, loại hình hoạt động … ). Nếu cho trẻ ăn thức ăn “lạ”, không nên cho trẻ ăn nhiều món lạ hoặc số lượng nhiều cùng một lúc và phải lưu ý theo dõi những dấu hiệu bất thường nếu trẻ có tiền sử dị ứng thức ăn.
Nên biết địa chỉ, số điện thoại nơi cấp cứu gần nhất
Những điều quan trọng cần biết khi đưa trẻ đi chơi xa?
Quan trọng nhất là phụ huynh cần cho trẻ tránh các yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn suyễn. Cho trẻ ăn mặc đủ ấm. Tránh những nơi có nhiều chất có khả năng gây dị ứng như hoa, cỏ, bụi, lông thú…, tránh khói thuốc lá, thận trọng với thức ăn, thức uống dễ gây dị ứng. Rửa tay thường xuyên và chủng ngừa đầy đủ trước khi đi.
Đối với suyễn gắng sức, ngoài các biện pháp không dùng thuốc nêu trên, cần phòng ngừa bằng thuốc như hít Salbutamol (Ventolin) 10-20 phúttrước khi gắng sức, uống Montelukast (Singulair) 3 giờ trước khi gắng sức.
Bên cạnh đó, người nhà cần biết 3 điều quan trọng để xử trí kịp thời khi trẻ lên cơn suyễn: (1) biết các dấu hiệu trẻ đang lên cơn suyễn, (2) biết cách dùng thuốc cắt cơn ngay, (3) biết các dấu hiệu bệnh trở nặng cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay và nơi cần đến.
Trẻ sắp lên cơn suyễn sẽ có các dấu hiệu báo trước như ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, khi đó phải cho trẻ dùng thuốc cắt cơn ngay. KHÔNG NÊN dùng thuốc dãn phế quản dạng uống mà nên dùng thuốc dãn phế quản dạng hít (dụng cụ hít định liều, máy phun khí dung), vì có tác dụng nhanh trong vòng vài phút, mạnh và ít tác dụng phụ so với thuốc uống.
Cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi dùng thuốc cắt cơn không hiệu quả hay chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, hoặc vẫn còn thở nhanh, khó thở, nói không nổi, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm trên ức, thượng đòn, cơ ức đòn chũm, tím tái.
Sau cùng là người nhà cần tiếp tục dùng thuốc phòng ngừa cho trẻ nếu được bác sĩ chỉ định. Những trường hợp cần dùng thuốc phòng ngừa là: suyễn không kiểm soát hoặc kiểm soát một phần (mỗi tuần bị khò khè ít nhất 1 lần, thức giấc về đêm vì lên cơn suyễn trên 2 lần một tháng), phải dùng thuốc cắt cơn mỗi ngày, từng nhập viện vì cơn suyễn nặng, có 3 cơn suyễn trong vòng một năm qua.
Tùy trường hợp, thuốc phòng ngừa sẽ do bác sĩ chỉ định, tư vấn và hướng dẫn cách dùng sau khi thăm khám kỹ, có thể dùng thuốc uống như Montelukast mỗi tối, hoặc dùng corticoid hít.
Một số địa chỉ và số điện thoại cần biết
Như đã nói ở trên ngoài việc nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng, gia đình cần phải biết đưa trẻ đến nơi nào gần nhất để cấp cứu khi đi du lịch xa.
Một số địa chỉ và điện thoại cần biết là:
Ở khu vực phía Bắc
-
BV Bạch Mai Hà Nội, 78 Giải Phóng, Hà Nội, ĐT: 04.38693731
-
BV Nhi Trung ương Hà Nội, 18/879 La Thành, Hà Nội, ĐT: 04.38343700
-
BV Nhi Hải Phòng, Trường Chinh Quán Trữ, Hải Phòng, ĐT: 031.678629
-
BV Đa khoa Quảng Ninh, Phường Bạch Đằng, Hạ Long, ĐT: 033.3825486
Ở khu vực miền Trung
-
BV Đa khoa Khánh Hòa, 19 Yersin,TP. Nha Trang, ĐT: 058.3822168
-
BV Đa khoa LâmĐồng, 4 Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt, ĐT: 063.3821369
-
BV Đa khoa Đà Nẵng, 76 Hải Phòng, Q Hải Châu, ĐT: 0511.3821118
-
BV Đa khoa Trung ương Huế, 16 Lê Lợi,TP. Huế, ĐT: 054.3833998
-
BV Đa khoa Bình Thuận,Hải Thượng, thị xã Phan Thiết, ĐT: 062.3816881
Ở khu vực miền Nam
-
BV Nhi Đồng 1, 341 Sư Vạn Hạnh Q10, TPHCM, ĐT: (08) 39271119
Đường dây tư vấn sức khỏe trẻ em: 1900561237 (giờ hành chính).
-
BV Nhi Đồng 2, 14 Lý Tự Trọng Q1 TPHCM, ĐT: (08) 38295723 - 38251453
-
BV Lê Lợi Vũng Tàu, 22 Lê Lợi,TP. Vũng Tàu,ĐT: 064.3832667
-
BV Đa khoa Bà Rịa, Phường Phước Hưng, thị xã Bà Rịa,ĐT: 064.3825154
-
BV Đa khoa Kiên Giang,46 Lê Lợi, thị xã Rạch Giá,ĐT: 077.3863866
-
BV huyện Phú Quốc, Đường 30/4 Thị trấn Dương Đông, ĐT: 077.3846 074
-
BV Nhi Đồng Cần Thơ,345 Nguyễn Văn Cừ, P.An Bình, Quận Ninh Kiều, TP. CầnThơ. ĐT: 071.731004
TS BS Trần Anh Tuấn
TK Hô hấp BV Nhi Đồng 1
Phó Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM