- Chi tiết
-
Được đăng: 17 Tháng 10 2024
Người dịch: Trần Thanh Lộc, Lê Thị Tuyết Lan
COPD là bệnh phổi có thể phòng ngừa và điều trị được
Bệnh nhân COPD phải cố gắng nhiều hơn để thở, điều này có thể dẫn đến khó thở và/hoặc cảm thấy mệt mỏi. Ở giai đoạn đầu của bệnh, COPD có thể gây ra khó thở trong lúc tập thể dục. Khi tình trạng xấu đi, bệnh nhân có thể gặp khó trong việc hít vào, thậm chí thở ra. Bệnh nhân COPD có thể bị viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng hoặc cả hai. Mức độ của các tình trạng này khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Hen suyễn là một căn bệnh khác gây hẹp đường thở, đôi khi khiến bệnh nhân khó thở, nhưng hen suyễn không nằm trong định nghĩa về COPD. Một số bệnh nhân bị cả COPD và hen suyễn.
Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm và sưng mạn tính khiến bên trong đường dẫn khí nhỏ hơn bình thường. Sự thu hẹp này ảnh hưởng đến khả năng và mức độ dễ dàng của việc thở ra.
Bệnh khí phế thũng là gì?
Phổi được cấu tạo từ 300 triệu túi khí nhỏ gọi là phế nang. Những túi khí này thường có độ co giãn và đàn hồi. Khi bạn hít vào, các túi khí sẽ nở ra như các quả bóng bay nhỏ. Thở ra thường là thụ động, không cần nỗ lực vì các phế nang sẽ tự co trở lại kích thước ban đầu của chúng. Trong bệnh khí phế thũng, phế nang phổi bị tổn thương và mất độ co giãn. Do đó, chúng khó đẩy được hết khí ra ngoài. Bệnh khí phế thũng cũng có thể góp phần làm hẹp đường thở.
Sự kết hợp của các phế nang không co giãn do bệnh khí phế thũng và đường thở bị hẹp do cả viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng, làm cho phổi không đẩy khí ra được như bình thường. Điều này khiến không khí bị kẹt trong phổi. "Bẫy khí" hoặc không có khả năng thở ra hoàn toàn, dẫn đến tình trạng phổi giãn nở bất thường hoặc căng phình.
Không khí liên tục bị bẫy trong phổi kết hợp với việc phải nỗ lực nhiều hơn để thở khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở.
Nguyên nhân gây ra COPD là gì?
Mặc dù nguyên nhân phổ biến nhất của COPD là khói thuốc lá, nhưng có một số yếu tố khác có thể gây ra hoặc làm cho COPD trở nên tồi tệ hơn, bao gồm phơi nhiễm với môi trường và nguy cơ di truyền. Ví dụ, tiếp xúc nhiều với một số loại bụi tại nơi làm việc, hóa chất và ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời (bao gồm khói củi hoặc nhiên liệu sinh khối) có thể góp phần gây ra COPD. Một số bệnh nhân không tiếp xúc với những yếu tố này nhưng vẫn mắc COPD. Chúng tôi không hiểu đầy đủ lý do tại sao một số bệnh nhân hút thuốc không bao giờ mắc COPD và một số bệnh nhân không bao giờ hút thuốc lại mắc COPD, nhưng các yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong việc này.
Làm sao tôi biết mình bị COPD?
Các triệu chứng phổ biến của COPD : cảm thấy khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động thể chất, ho, thở khò khè, mệt mỏi và/hoặc tiết chất nhầy không dứt. Nếu bạn có những triệu chứng này, bạn nên trao đổi với bác sĩ.
Một số bệnh nhân COPD giai đoạn đầu không rõ các triệu chứng của mình. Nên xét nghiệm ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc COPD. Bác sĩ của bạn có thể yêu cầu đo chức năng hô hấp. Đo chức năng hô hấp có thể phát hiện đường thở của bạn có bất thường hay không. (Xem tờ thông tin về Chuỗi thông tin dành cho bệnh nhân của ATS về Xét nghiệm chức năng phổi).
Làm thế nào để bác sĩ biết một bệnh nhân bị COPD?
Các bác sĩ chẩn đoán COPD dựa trên sự kết hợp giữa triệu chứng và kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm quan trọng nhất để xác định xem một bệnh nhân có mắc COPD hay không là đo chức năng hô hấp. Những thay đổi của COPD cũng có thể được nhìn thấy trên phim chụp X-quang ngực hoặc CT ngực. Sau khi bác sĩ xác định bạn mắc COPD, họ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác để đánh giá mức độ thở của bạn khi ngủ và khi tập thể dục. Điều này bao gồm việc xem xét mức độ bão hòa oxy của bạn.
COPD được điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị COPD đầu tiên và quan trọng nhất ở bệnh nhân hút thuốc là cai thuốc lá. Thuốc và các liệu pháp khác có sẵn để giúp điều trị chứng nghiện nicotine và giúp bạn cai thuốc. Để biết thêm trợ giúp về việc cai thuốc, hãy xem tờ thông tin về Thuốc lá trong Chuỗi thông tin dành cho bệnh nhân ATS.
Thuốc cũng có thể được kê đơn để giúp làm giảm các triệu chứng của COPD và ngăn ngừa các đợt kịch phát có thể dẫn đến mất thêm chức năng phổi. Hầu hết các loại thuốc hiện tại cho COPD đều là thuốc hít. Một số nhóm thuốc chung bao gồm các loại thuốc thuốc giãn phế quản, giảm sưng ở đường thở (thuốc chống viêm, chẳng hạn như steroid) và/hoặc điều trị nhiễm trùng (kháng sinh). Ngoài thuốc kháng sinh, hầu hết các loại thuốc COPD đều phải được sử dụng hàng ngày. Giữ gìn sức khỏe càng cao càng tốt. Tránh tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ, rửa tay thường xuyên, tiêm vắc-xin cúm hàng năm và tiêm vắc-xin viêm phổi và COVID-19 khi được bác sĩ khuyến cáo. Ở một số bệnh nhân, COPD cũng có thể khiến nồng độ oxy trong máu thấp. Nếu trường hợp này xảy ra, bệnh nhân có thể được cung cấp oxy bổ sung. Không nên nhầm lẫn tình trạng khó thở với tình trạng nồng độ oxy thấp.
Những bệnh nhân COPD có thể bị khó thở hoặc thở khó khăn ngay cả khi họ có mức oxy tốt. Do đó, tình trạng khó thở không phải lúc nào cũng là dấu hiệu tốt để biết bạn có cần sử dụng oxy hay không (Xem tờ thông tin về Bệnh nhân ATS về tình trạng khó thở).
Dinh dưỡng hợp lý và duy trì thể lực tốt cũng rất quan trọng không chỉ để giảm triệu chứng mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn. Các chương trình phục hồi chức năng phổi cung cấp các bài tập và giáo dục có giám sát cho những bệnh nhân có vấn đề về hô hấp và nên là một phần của kế hoạch điều trị toàn diện cho bất kỳ ai mắc COPD. Các nhóm hỗ trợ cộng đồng có thể cung cấp thông tin và cơ hội cho bệnh nhân COPD và người chăm sóc chia sẻ kinh nghiệm của họ với những bệnh nhân khác cũng mắc COPD. (Xem tờ thông tin về Bệnh nhân ATS về Phục hồi chức năng phổi).
Trong một số trường hợp, các thủ thuật phẫu thuật như phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi có thể là những lựa chọn cần cân nhắc (Xem tờ thông tin về Bệnh nhân ATS về Phẫu thuật cho COPD và ghép phổi).
Liệu COPD có bao giờ biến mất không?
Thuật ngữ mạn tính trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nghĩa là nó kéo dài trong một thời gian dài. Các triệu chứng của COPD đôi khi cải thiện khi một bệnh nhân ngừng hút thuốc, dùng thuốc thường xuyên và/hoặc tham gia phục hồi chức năng phổi. Mặc dầu vậy, phổi vẫn bị tổn thương và không bao giờ trở lại bình thường.
Do đó, COPD là tình trạng kéo dài suốt đời. Khó thở và mệt mỏi không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng bệnh nhân có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và tiếp tục sống trọn vẹn.
Tác giả: Suzanne C Lareau RN, MS, Bonnie Fahy RN, MN, Paula Meek PhD, RN, Angela Wang MD
Phản biện: Kevin Wilson MD, Richard ZuWallack MD, Marianna Sockrider MD, DrPH, Nicola Hanania, MD, David Mannino, MD.
Các bước hành động
Bỏ hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
• Đến gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn để biết bất kỳ
tình trạng ho mạn tính hoặc khó thở không rõ nguyên nhân nào.
• Hỏi bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn về việc thực hiện xét nghiệm chức năng phổi bằng máy đo chức năng hô hấp để kiểm tra phổi của bạn.
• Tiêm vắc-xin cúm hàng năm và hỏi bác sĩ của bạn về vắc-xin phế cầu khuẩn và COVID-19.
Các nguồn khác
Hội lồng ngực Hoa Kỳ www.thoracic.org/patients
• Fact sheets on: breathlessness, influenza, oxygen therapy, pulmonary function tests, pulmonary rehabilitation, pulse oximetry, surgery, tobacco, transplantation, COVID-19 vaccines, pneumococcal vaccines.
COPD Foundation http://www.copdfoundation.org/What-is-COPD/ Understanding-COPD/What-is-COPD.aspx
Viện huyết học và tim phổi quốc gia Hoa Kỳ: http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/ copd/
Hiệp Hội Phổi Hoa Kỳ: http://www.lung.org/lung-disease/copd/about-copd/ understanding-copd.html
Quỹ giáo dục và nghiên cứu về phổi: (The Pulmonary Education and Research Foundation-PERF) https://perf.lundquist.org/
Dịch hình:
Normal Airway: Đường dẫn khí bình thường
Chronic Bronchitis: Đường dẫn khí bị tắc nghẽn
Mucus: chất nhầy
Swelling: sưng tấy
Restricted air flow: đường dẫn khí bị hạn chế
Alveoli with emphysema: phế nang có khí phế thủng
Microscopic view of normal alveoli: phế nang bình thường được nhìn thấy dưới kính hiển vi
Nguồn bài:
Thông tin này là dịch vụ công cộng của Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ. Nội dung chỉ dành cho mục đích giáo dục. Không nên sử dụng thông tin này để thay thế cho lời khuyên y tế của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
ATS Patient Education Series © 2024 ATS online version Updated April 2024