- Chi tiết
-
Được đăng: 06 Tháng 12 2024
Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ
THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN
Virus hợp bào hô hấp Respiratory syncytial Virus, hay RSV, là một loại virus đường hô hấp phổ biến gây nhiễm trùng phổi và đường thở. Nó thường gây ra nhiễm trùng đường hô hấp trên nhẹ với các triệu chứng giống như cảm lạnh kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng phổi nghiêm trọng hơn do RSV. Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, nhiễm trùng RSV có thể ảnh hưởng đến phổi, gây viêm tiểu phế quản cấp tính hoặc viêm phổi. Để biết thêm thông tin về RSV ở trẻ sơ sinh và trẻ em, và tiêm vắc-xin RSV cho phụ nữ mang thai. Xem trang www.thoracic.org/patients
Các triệu chứng nhiễm RSV là gì?
Các triệu chứng của nhiễm trùng RSV có thể giống như cảm lạnh thông thường, với sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ho, đau họng, mệt mỏi và đau nhức cơ. Nhiễm trùng RSV nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến khó thở và nồng độ oxy thấp, có thể cần phải nhập viện. Nhiễm trùng RSV có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh lý mạn tính. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, nhiễm trùng RSV có thể dẫn đến suy hô hấp, cần phải đặt nội khí quản và thở máy. Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho RSV. Trong hầu hết trường hợp không cần điều trị, các triệu chứng sẽ cải thiện trong một tuần. Các trường hợp nghiêm trọng sẽ cần điều trị các tình trạng bệnh lý trở nặng và hỗ trợ tại bệnh viện khi cần, chẳng hạn như cung cấp oxy. Người mắc các tình trạng bệnh lý mạn tính có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục. Trong khi hầu hết mọi người sẽ hồi phục nhanh chóng, một số người có thể gặp phải các triệu chứng kéo dài bao gồm mệt mỏi và ho hoặc thậm chí khó thở trong nhiều tuần sau khi nhiễm trùng ban đầu.
Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa RSV nghiêm trọng?
Vào năm 2023, một số người lớn có nguy cơ bị nhiễm RSV nghiêm trọng có thể được tiêm vắc-xin phòng ngừa RSV. Ngoài ra, các hành vi hàng ngày thông thường cũng có thể làm giảm sự lây lan của RSV và các vi trùng khác. Đó là rửa tay thường xuyên, che mặt và miệng khi hắt hơi hoặc ho, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và ở nhà khi bị ốm. Nếu người nhà bị bệnh, hãy đảm bảo tránh dùng chung đồ uống, đồ dùng, vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, đeo khẩu trang, mở cửa sổ và giữ khoảng cách với người khác nếu có thể. Trẻ em thường bị nhiễm vi-rút RSV, vì vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được các đợt bùng phát có thể xảy ra tại trường học, nhà trẻ hoặc các hoạt động sau giờ học của trẻ.
Người lớn nào có nguy cơ bị nhiễm RSV nghiêm trọng?
Người lớn từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp dưới nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong do nhiễm RSV. Người lớn tuổi mắc các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim hoặc phổi, tiểu đường và bệnh thận, đặc biệt có nguy cơ bị nhiễm RSV nghiêm trọng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng RSV có thể dẫn đến 160.000 ca nhập viện và 10.000 ca tử vong ở người lớn trên 65 tuổi mỗi năm.
Vắc-xin RSV là gì?
FDA đã phê duyệt ba loại vắc-xin chống lại RSV. Hai loại vắc-xin tiểu đơn vị protein liều đơn. Tên thương hiệu của chúng là Arexvy™ và Abrysvo™, do GlaxoSmithKline và Pfizer sản xuất. Vắc-xin RSV thứ ba và mới nhất là vắc-xin mRNA (mRNA) tương tự như vắc-xin COVID mRNA. Tên thương hiệu là mRESVIA™ được Moderna sản xuất. Các loại vắc-xin khác đang được phát triển và sẽ có trong tương lai.
Ai cần tiêm vắc-xin RSV
CDC khuyến cáo người lớn từ 75 tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin RSV. Những người từ 60-74 tuổi và có nguy cơ mắc RSV nghiêm trọng cũng nên tiêm vắc-xin. Nếu bạn từ 60 đến 74 tuổi, chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ bị bệnh nặng do RSV khi giúp bạn quyết định có nên tiêm vắc-xin hay không. Tiêm vắc-xin RSV cùng lúc với vắc-xin COVID và cúm là an toàn.
Thai phụ cũng được khuyến cáo nên tiêm một liều vắc-xin RSV duy nhất trong khoảng từ tuần thứ 32 đến tuần thứ 36 của thai kỳ, nếu khoảng thời gian này rơi vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 1 ở bắc bán cầu. Để biết thêm thông tin về vắc-xin RSV trong thai kỳ, hãy xem mục Tiêm vắc-xin RSV cho phụ nữ mang thai ở trang web www.thoracic.org/patients
Vắc-xin RSV có hiệu quả như thế nào đối với người lớn?
Điều quan trọng cần lưu ý là không có vắc-xin nào có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, các loại vắc-xin RSV hiện có đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp dưới từ trung bình đến nặng do RSV. Những người đã được tiêm vắc-xin có nguy cơ mắc RSV nghiêm trọng thấp hơn bao gồm cả việc phải nhập viện.
Vắc-xin RSV có các tác dụng phụ nào?
Vắc-xin RSV rất an toàn. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là đau hoặc đỏ tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, nhức đầu và đau cơ sau khi tiêm vắc-xin. Các tác dụng phụ này có thể kéo dài trong vài giờ và lên đến 24 giờ sau khi tiêm. Một số ít người báo cáo các tình trạng thần kinh nghiêm trọng, bao gồm hội chứng Guillain-Barré (GBS), sau khi tiêm vắc-xin RSV. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào kết luận liên kết vắc-xin với GBS hoặc các tác dụng thần kinh khác.
Tôi có thể tiêm vắc-xin RSV như thế nào?
Bạn có thể thảo luận về việc tiêm vắc-xin RSV với bác sĩ chăm sóc chính hoặc hiệu thuốc địa phương. Bạn thường không cần đơn thuốc để tiêm vắc-xin và hầu hết các chương trình bảo hiểm tư nhân sẽ trả chi phí. Những người có bảo hiểm Medicare sẽ cần có phạm vi bảo hiểm Medicare Phần D để tránh bất kỳ chi phí nào phải trả. Những người có bảo hiểm Medicaid được bảo hiểm cho tất cả các loại vắc-xin nằm trong hướng dẫn tiêm chủng của CDC, bao gồm cả vắc-xin RSV.
Nguồn
Hội lồng ngực Hoa Kỳ
https://www.thoracic.org/patients/
— Nhiễm RSV ở trẻ sơ sinh và trẻ em
— Tiêm vaccine RSV ở thai phụ
— Vaccine hoạt động như thế nào
Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)
Thông tin sức khỏe công cộng
https://www.cdc.gov/vaccines/adults/pay-for-vaccines.html
Thông tin lâm sàng
Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân
Nguồn:
https://www.atsjournals.org/doi/epdf/10.1164/rccm.210i10p7?role=tab